Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Lan man tuổi già




LAN MAN TUỔI GIÀ
Thân tặng các bạn già của tôi
                                
         Khi người ta nói tới tuổi già, thường là lúc người ta đã bước vào tuổi già! Con người sinh ra, lớn lên, rồi già đi, cuối cùng thì chết và biến mất trong thế gian nầy. Đó là luật Tạo Hoá, là lẽ tất nhiên của tiến trình trong vạn vật, muôn loài. Không ai có thể đi ra ngoài cái định luật đó. Bước vào tuổi già người ta bắt đầu nghĩ về con đường sẽ đi tới…và người ta lan man nghĩ về nó!

1-      Hồi đó ở quê nhà.
         Hồi đó, trong ký ức của tôi, lúc còn còn là cậu bé nhỏ sống ở một vùng quê của miền Nam Việt Nam. Tôi thấy mọi người chung quanh làng xóm nơi tôi ở, khi bước vào tuổi 50 là lộ vẻ yếu ớt, lụm cụm. Có lẽ cuộc sống vào thời đó thiếu thốn, làm việc cật lực, vất vả quá cho nên người ta trông mau già đi. Lúc còn nhỏ tôi cũng được nghe “Tam thập nhi lập, tứ thập bất hoặc, ngũ thập tri thiên mạng”. Tới 50 tuổi, cuộc đời coi như an bài có sao hưởng vậy, không còn mong phấn đấu nữa và người ta sống vào thời kỳ dưỡng già. Người sống được 60 vội ăn mừng tuổi thọ lục tuần, 70 tuổi ăn cái lễ thượng thọ. Chế độ hưu trí thời đó cũng chỉ ở cái tuổi 55. Hình như ở Việt Nam hiện nay vẫn còn giữ mức tuổi cho về hưu là 55 tuổi. Khác với các nước phương Tây, nước Mỹ hiện nay tuổi hưu là 65 và cứ tăng thêm 2 tháng theo từng năm sau. Ấy mới thấy hai mảnh đời hai nơi khác nhau thật nhiều!
        Hồi đó người miền quê, người ta lập gia đình rất sớm, trai 16, 17 thì mẹ cha lo ngm nghé kiếm người mối mai làm sui. Con gái cũng vậy. Người ta lo cưới gả là lo kiếm người lo phụ việc cho gia đình. Người buôn bán thì có người phụ đỡ đần công việc làm ăn hoặc nấu nướng việc nhà. Người làm ruộng, có thêm người cày cấy. Người làm vườn tược thì có thêm người lo dọn cỏ, bón phân. Ở vào tuổi 50 là có cháu đàn, cháu đống và người ta lo phân bố công chuyện cho mấy đứa con lớn, từ từ lo chia sản nghiệp cho từng đứa có gia đình và rút vào vai vế cố vấn hoặc giả chỉ hụ hợ với con cháu. Hồi đó sự chia  của cải cho con cháu là quyền của ông bà cha mẹ ít khi nghe ai phiền hà gì chuyện nầy mà có muốn phiền hà gì đó cũng chỉ rên rỉ chứ không ai kiện tụng gì cả. “Của tao để lại, tao muốn làm gì thì làm!. Cái tập tục thời trước, người cha là chủ gia đình, cho nên quyền quyết định mọi chuyện điều do người đàn ông, trên hết là ông, kế đến là người cha.
        Cha mẹ già thường ở với đứa con lớn. “Quyền huynh thế phụ” là thế tục của bậc đàn anh dìu dắt, lo toan mọi việc với cha mẹ và dĩ nhiên cái tính quảng đại công bằng trong nhà được sự giám sát của người cha, người mẹ. Cái nếp sống đó có tự ngàn xưa như vậy cứ tuần t noi theo. Người già, con ruột, con dâu, cháu chắt cùng chung sống trong một đại gia đình. Mọi người tuân thủ theo cái nếp “Kính lão đắc thọ” nhất đó là ông bà, cha mẹ của mình. Cho nên cái tuổi già được an cư hạnh phúc vô cùng. Khi cần làm một điều gì đó, thì người cha chỉ ra lệnh là con cháu trong nhà răm rắp thực hiện. Đôi khi thấy cha mẹ già lom khom định làm một việc gì đó thì con cháu chạy lại dành lấy để làm thay “ba ngồi nghỉ đi, để mấy sấp nhỏ nó làm” hoặc “để con làm cho”.
         Sáng sớm con dâu nấu nước pha trà sẵn cho cha chồng, hoặc con dâu quá bận rộn thì người lớn tuổi thường hay dậy sớm và tự lo cho mình. Có người tìm ra thú vui “Trà Đạo” cũng muốn tự mình lo việc nấu nước pha trà cho đúng điệu. Ngồi nhâm nhi tách trà thơm buổi sáng sớm, khi sương mai còn trùm phủ đó đây trên những cánh đồng lúa, hoặc la đà trên mấy nhánh cây trước nhà. Mặt trời đã hừng hững, một chút hồng ưng ửng ở phương đông, tiếng gà gáy muộn còn rời rạc đó đây, tiếng đàn gà cúc cúc đàn con ríu rít ra sân, con heo ủn ỉn sau hè. Hớp một ngụm trà đậm, rít một hơi thuốc Gò Vấp, nhả khói từ từ. Mắt lim dim nhìn khói bay tỏa trong sương mai, lòng lâng lâng nhẹ hẫng như mây bay lên trời. Ôi thú vị và thơ thới tâm hồn làm sao! Có gì đâu để lo âu. Có gì đâu hậm hực. Có gì đâu gấp rút…!
            -Anh Tám ơi! Ghé uống vài hớp trà anh ơi!
           Người bạn già lối xóm ghé lại, hai người ngồi uống trà nói chuyện mùa màng, tin tức làng xóm, đôi khi vài ba câu chuyện thời cuộc trong nước hoặc đâu đó trên thế giới mới nghe từ máy Radio hôm qua. Hai người bạn nói nghe chơi chứ không mấy quan tâm nhiều đến mấy chuyện nầy. Đôi lúc họ nhắc nhở nhau về các ngày đình đám, hội hè trong làng, trong xóm. Câu chuyện hai người râm ran, rỉ rả…với mấy tuần trà quạo* (trà đậm)
          Lùi xa hơn tí nữa, ở vào cái thời hưởng nhàn của Nguyễn Công Trứ, của Nguyễn Khuyến ta mới thấy các cụ ngày xưa thanh thản, an nhàn tự tại là dường nào! Khi vào tuổi về già thì lo hưởng nhàn. Các cụ sắp xếp cho mình một chương trình hưởng nhàn thú vị, thanh tao, trút bỏ hết sự đời qua một bên, chỉ biết tiêu dao cùng sông nước mây trôi.

Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quỳnh
Nhác trông lên, ai khéo họa hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
(Chu Mạnh Trinh)

          Tiến trình an hưởng của tuổi già theo đà tiến triển xã hội dần dà bị mất đi theo tỷ lệ nghịch. Cái nầy tiến thì cái kia bị thoái. Càng văn minh vật chất càng làm đời sống con người quay nhanh theo dòng cuốn của nó. Con người nhờ phương tiện khoa học văn minh được sống khỏe hơn, lâu hơn, nhưng con người càng bận bịu với cuộc sống nhiều hơn, và phát sinh nhiều thứ cũng quái đản hơn!

2-Cuộc sống bây giờ.
          *Ở trong nước:
           Với cái đà tiến triển xã hội của nước Việt Nam, theo bước tiến chung của nhân loại trên thế giới. Trong bước tiến của Khoa Học Kỹ Thuật, thế giới gần lại với nhau trong nhiều lãnh vực. Cuộc sống con người cũng từ đó đã lột xác, thay thịt, đổi da, dĩ nhiên cái ảnh hưởng của nó cũng làm thay đổi cuộc sống, và tuổi già cũng bị thoái hóa và bứt lìa với cái quá khứ an nhàn tự tại.
         Trong bối cảnh đất nước ta, nhất là ở vào cái thời “Đỉnh cao trí tuệ” tròng vào cho cả Nước Việt, đã kéo đời sống mọi người cùng lùi về phía bần khổ và kéo con người lăn lộn với cơm áo hằng ngày càng khó khăn hơn. Người già trong nước bây giờ còn phờ râu, dựng tóc với miếng ăn. Đất đai,vườn tược bị cướp bóc, tài sản bị tước đoạt qua nhiều màn “Cải Tạo”, công, thương nghiệp, hợp tác hóa nông nghiệp. Xiết, rồi buông…buông, rồi lại xiết. Qua nhiều lần như vậy cả nước bị trấn lột không còn cơ ngơi. Con cái phải bung ra, lo làm ăn cật lực và bị phân tán mỏng để lo toan cho bản thân thì thử hỏi cái tuổi già ở tư thế nầy làm sao có thề an vui như dạo trước. Chưa kể “Đỉnh cao trí tuệ” còn làm hỏng nát nền luân lý tốt đẹp có ngàn năm trong lịch sử Dân Tộc. Con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố nhau, bà con chòm xóm xoi bói vào nhau. Xã hôi bị tan rã thành từng mảnh vụn. Người ta lo tranh sống và chà dẫm lên nhau để có miếng ăn. Ôi còn đâu tình nghĩa thấm thiết gia đình, xóm giềng đùm bọc lẫn nhau! Tuổi già bước vào nỗi quạnh hiu, buồn bã. Người già không còn cái quyền gia chủ nữa vì với tuổi già yếu vô tích sự, họ sống thúc thủ, cam đành trong sự cô đơn trống vắng. Sự mất mát nghĩa nhân làm tuổi già co ro và…muốn chết đi cho rồi!
          Đó là nói về tình cảnh những người già nghèo, còn các bậc lão gia, nhất là các cụ ông, cụ bà trong giới lãnh đạo Đảng, những bậc “Tư Bản Đỏ”, những “Đại Gia” trong nước bây giờ thì khỏi phải nói: Họ ăn trên ngồi cao, bổng lộc đầy ngập, các cụ kiếm gái bao, vợ lẽ. Các cụ ông mua nhà cho vợ nhí. Các cụ hưởng lạc như tiên như thánh. Một buổi ăn chơi vài ba ngàn đô là thường. Các cụ muốn cái gì là có ngay cái đó. Tôi biết có nhiều cháu học sinh, sinh viên từ các tỉnh xa về Thành Phố Sài Gòn học không  đủ tiền, hoặc muốn có tiền để đua chị theo em thì đi làm cháu nuôi cho các đại gia. Các đại gia già muớn nhà, trả mọi chi phí sinh hoạt, học phí. Các cháu thì cung phụng lại các chú, các bác những đêm ái ân  để bù trả. Ra đường chú chú, bác bác, tối lại anh anh, em em.
          Còn các bà thì sao? Đâu thua gì các cụ ông, các cụ bà cũng mởn da, mởn thịt nhờ cái bã của “ Bọn Tư Bản”. Các bà cũng đi kiếm trai bao, loại trai phải cao ráo, sức lực để thỏa mãn dục tính của các bà đang hừng hực hồi xuân. Trước đây tôi có đọc mt bài phóng sự về hiện trạng trai bao, gái bao trong nước mà đau buồn cho xứ mình! Ôi! Nhức nhối cho cái thời “Đỉnh Cao Trí Tuệ”!!!

         *Ở ngoài nước:
           Sau năm 1975 với một cuộc “Bầu phiếu bằng chân”, cả một khối người di hành bỏ xứ, chạy trốn “Đỉnh cao trí tuệ” đi ra khắp các nơi trên địa cầu. Triệu người bỏ xác ngoài biển khơi, triệu người làm cuộc đời mới nơi đất nước tạm dung. Người chết thì đã đành. Người sống phải lo toan cho cuộc sống mới nơi các nước sở tại và cố gắng hội nhập vào nơi mình ở. Thế hệ thứ nhứt bây giờ đã về chiều, tuổi già kéo đến, cho dù cố gắng cách mấy cũng không thể nào xóa lấp được quá khứ. Trong hồn còn đầy ắp Việt Nam tính. Bởi thế tuổi già ở nơi đây cũng lắm chuyện não lòng.
         Hồi mới sang Mỹ, tuổi còn sồn sồn với đám con thơ dại, người cha, người mẹ chúi mũi đi làm để lo cho đàn con học hành. Họ dốc hết tâm lực để cung cấp mọi điều kiện cho con mình thành đạt. Cái tâm lý “Tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão” còn trong tâm thức của họ. Họ không có, hoặc không nghĩ đến hậu vận sau nầy như người bản xứ, như để tiền vào quỹ hưu bổng, ký thác vào trương mục tiết kiệm… Người bản xứ, họ chuẩn bị cho cuộc sống tự lo cho bản thân, không trông chờ vào con cháu. Người Việt mình thì ít ai nghĩ tới vì cái tâm lý như nói ở trên, hoặc giả có biết chăng cũng không có cơ hội để dành tiền như người bản xứ. Cái tâm lý hy sinh đời mình cho con cháu mạnh đến đỗi họ chẳng mảy may lo cho mình, tiền của dành dụm được bao nhiêu đều dốc hết cho con cái: mua nhà, mua xe, lo tiền ăn học…và họ chỉ còn lại tuổi già trống không với tiền trợ cấp vừa đủ của chính phủ. Tình cảnh còn cam go hơn khi các con lập gia đình. Sự chung đụng với con dâu, con rể, cháu chít lại nẩy sanh nhiều tình cảnh dở khóc dở cười cho người già. Bọn trẻ theo cách sống mới, hoặc học đòi theo cách sống mới của nước s tại, mỗi khi lập gia đình xong thì muốn ra ngoài. Con cái có nghề nghiệp vững vàng một chút lại muốn ra ngoài. Người nào có mua được căn nhà thì trước đó cũng muốn có nhiều phòng cho con cái ở. Với sự tuần tự ra đi của chúng, tuổi già còn lại bơ vơ nơi căn nhà rộng thênh thang. Mấy người bạn của tôi thường nói “Nhà rộng chỉ quanh quẩn với hai con khỉ già nhìn nhau”. Đó là nói người có nhà có cửa, đa số còn lại thì sống nương tựa với con cái thì còn lắm điều bi đát hơn. Có lúc thằng con nghe lời vợ nhằn nhì, như “ông già anh lẩm cẩm, ăn cơm đổ tháo, tiểu tiện làm bẩn bồn cầu. Anh nói ổng đừng hôn hít mấy đứa nhỏ nữa, coi chừng lây bịnh”…Tuổi già lúc trở trời, trở gió, hay bị ho húng hắng chứ có bịnh hoạn gì cho cam! Thằng con thương cha cự lại với vợ, thì gia đình nó rối beng, nhà cửa lạnh tanh như nhà ma! Thằng con nghe lời vợ thì …cuối cùng chúng nó bàn: Thôi để ba đi nhà dưỡng lão! hay mướn cho ba ở apartment low income. Tuổi già bắt đầu đi vào quạnh hiu nơi xó xỉnh đó. Người nào còn vợ còn chồng thì còn nhìn nhau gạt lệ mà nói: “Thôi mình ơi! Ráng chịu biết làm sao bây giờ hở mình!
        Lúc còn ở trong nước, tôi có đọc một quyển sách dịch từ Anh Ngữ, lâu quá tôi quên mất đề tựa. Quyển sách kể lại câu chuyện mà hồi đó tôi không tin, nhưng khi sang định cư ở Mỹ, tôi mới thấy thm thía câu chuyện như vậy. Câu chuyện kể, tôi xin được tóm tắt như sau:
         Trong ngày sinh nhựt của một người cha đang ở trại dưỡng lão, đứa con trai mang xe tới rước ông về nhà để làm một buổi lễ mừng sinh nhựt cho ông, có mời khách và những người thân tham dự. Trên đường lái xe đưa ông về, đến một đoạn đường ông nhìn qua khung kiếng của cửa xe thấy cảnh vật thân quen, lòng xúc động vô cùng. Bất chợt ông nhìn thấy một người ngồi sửa giày ở vệ đường, ông nói thầm “Ồ đúng rồi! đây là ông bạn trẻ yêu mến của ta năm nào”. Ông bảo thằng con dừng xe lại cho ông xuống nói chuyện với người bạn và ông sẽ về nhà sau mươi phút. Thằng con chiều ý cha và nói: “chỉ mươi phút thôi nha, tôi về nhà trước và sẽ trở lại ngay”. Ông đến gần người bạn cách khoảng vài mét, ông bạn nhận ngay ra ông. Hai người ôm nhau mừng r. Họ ngồi và nói chuyện với nhau bằng muôn vàn kỷ niệm mà họ có cách nay mấy năm, lúc ông còn ở căn nhà, gần đây thôi, đi bộ cũng chỉ vài phút. Dĩ nhiên câu chuyện nói hoài không dứt vì họ có quá nhiều kỷ niệm trên đoạn đường nầy, trong góc quán cà phê gần ngã tư đường. Người con đến dục ông lên xe để đưa ông về. Hai người ôm nhau và chia tay trong quyến luyến, xe chạy mút xa mà ông vẫn còn ngoái đầu lại nhìn người bạn đứng vẫy tay. Về đến nhà , ông chào hỏi mọi người và xin được vào phòng tắm rửa mặt mũi. Ông đi chầm chậm nhìn quanh, nhìn quất căn nhà thân yêu của mình, lòng xao xuyến như bắt gặp lại muôn điều ở đây. Ông vào phòng tắm, mở vòi nước vào bồn, ông thử lại độ ấm, ông bước vào và nằm ngâm mình trong đó. Ông nhìn lên khoảng trần, ông nhìn chung quanh phòng, một ký ức xa xôi hiện về. Ông nhớ hồi đó hai vợ chồng ông mới cưới nhau còn ở nhà mướn trong một khu chung cư, hai người cùng đi làm cật lực, gom góp được được một số tiền và mua căn nhà nầy sau gần 4 năm tiết kiệm. Lúc mới dọn vô nhà nầy thì thằng con lớn của ông mới hai tuổi. Hai vợ chồng cùng đi lo mua sắm từng cái bàn, cái ghế. Họ lo sắp đặt cái bàn chỗ nầy cái tủ chỗ kia. Họ sung sướng ôm hôn nhau vì đây là căn nhà đầu tiên trong đời họ và họ nghĩ từ nay thằng con của họ sẽ có phòng riêng và họ muốn sẽ có thêm ít nhứt là hai đứa con nữa. Họ sẽ sống mãn đời mãn kiếp ở đây. Hình ảnh thằng con chạy đùa, hình ảnh người vợ thương yêu của ông đang lo bữa ăn cho gia đình và biết bao hình ảnh ấm êm khác trong căn nhà nầy hiện về. Ông nằm đó mơ màng mà quên vặn tắt cái vòi nước đang tiếp tục chảy ngập đến mũi ông. Nước tràn ra ngoài, thằng con và mọi người đập cửa xông vào. Ông nằm chết với nụ cười rạng r trên môi. Ông đang ở trong một hồi tưởng hạnh phúc tuyệt vời nơi chính căn nhà của ông. Ông đã mất nó từ khi ông bị đưa vào trại dưỡng lão.
         Tôi biết thêm một câu chuyện có thật thương tâm nữa như sau:
         Hai vợ chồng đi vượt biên mang theo hai đứa con. Đứa lớn có gia đình trước ở Việt Nam nhưng còn kẹt lại vợ và hai đứa con bên đó vì lẽ chuyến đi bị trở ngại, lúc đổ vào ghe lớn thì bị Công An phát hiện, nên phải lui ghe đi ngay. Con dâu và hai đứa cháu bị kẹt lại ở trong nước. Sau thời gian chắc mót làm ăn ông bà đưa cho thằng con $30,000 và mượn thêm tiền ngân hàng để mua môt căn nhà. Mấy năm sau thằng con bảo lãnh vợ và con qua. Ban đầu mới sang thì vợ của thằng con nói gì nghe nấy, chừng vài năm sau, với cách học đòi văn minh và cũng tại hồi đó về làm dâu bị cha, mẹ chồng hành hạ quá. Bây giờ nàng vợ muốn trả thù. Lợi dụng cái anh chàng hay nghe lời vợ nầy bèn bàn tính nói vào nói ra. Cuối cùng thằng con đành đoạn đưa ông bà đi ở riêng ở một cái apartment. Hai ông bà sức yếu, lại hay bị bịnh cũng đành ra đi! Vì buồn bã, vì bịnh hoạn, hai ông bà chán cái cảnh sống bên nầy nên muốn về lại Việt Nam, dù sao cũng còn mấy đứa cháu bà con bên ấy lo, miễn có một số tiền thì mọi chuyện trở nên dễ dàng. Ông bà đến nhà thằng “Quí Tử” để xin nó lại số tiền mà ông bà đã đưa cho nó mua nhà trước đây. Thằng con phang cho một câu “Đợi chừng nào bán nhà tui trả lại cho”. Hai ông bà đành nuốt đau đớn vào lòng và về Việt Nam. Hai năm sau lần lượt ông đi trước và kế đến bà cũng qui tiên theo ông! Ôi! Có nỗi đau buồn nào cho bằng!?

         **Có vài trường hợp vì thương cháu quá các bậc lão bô ráng sống chung đụng và ráng làm quản gia, làm babysitter để cho con và con dâu đi làm. Ở xứ nầy mướn một người làm công đâu phải dễ, mà giao nhà cho người lạ cũng lo lắng, chưa kể đến việc mướn người ngoài phải mất ít nhứt là hơn ngàn đồng. Có ông bà giữ nhà, lo cho cháu thì chắc mẻm hơn. Ông bà nào mà không thương cháu và sự chăm sóc chắc chắn phải hơn người ngoài. Cho nên các cặp vợ chồng có người lớn ở nhà lại là cha mẹ ruột của mình thì yên tâm đi làm hơn và nếu có cái gì không vừa ý thì bọn trẻ cũng ráng bỏ qua mà giữ lại cha mẹ già?. Trong trường hợp nầy các lão “quản gia” cũng vui vẻ vì còn được gần con, gần cháu. Có ràng buộc đó, nhưng mà vẫn vui.
.
        **Có một số cụ già góa vợ tiếc nuối tuổi xuân. “Hồi nhỏ lo làm ăn, bây giờ phải được hưởng? Con cái lớn hết rồi, đã có nhà có cửa hết rồi, các cụ tìm cách dung dăng dung dẻ, gom góp được một số tiền già. Lâu lâu về Việt Nam tìm cỏ non. Có cụ gặp ngay mê hồn trận, mê tít thò lò một em mơn mởn đào tơ. Em thưa rằng; “em sẵn sàng làm người nâng khăn sửa túi cho chàng”. Thế là cụ tức tốc trở lại Mỹ tuyên bố với các con của cụ là cụ đã tìm được tình yêu thực sự. Các cụ quyết định về quê cưới vợ và ở luôn bên đó. Các cụ yêu cầu các con mỗi tháng gởi tiền về cho cụ mỗi đứa vài trăm cho cụ xây dựng “Túp lều lý tưởng”. Cụ không dám lãnh mấy em đó qua đây, vì mấy cụ biết sẽ bị cho cắm sừng hoặc bị bỏ rơi. Các nàng thì thấy “Ôi! thì cũng được, với cái ông nầy thì còn sướng cái thân và ăn chắc hơn lấy Đài-Loan, Đại-Hàn”. “Mấy ông còn quờ quạng được bao nhiêu đâu mà sợ, còn xí quách đâu mà lo có con. Cứ mặc! Có hứng tình thì lén đi với mấy anh kép trẻ, đố mấy ông theo bắt được!”.

         **Có một số cụ già còn vợ già ở bên nầy đó, nhưng về Việt Nam bị mê hồn, trở lại Mỹ đòi ly dị vợ già về cưới vợ nhí. Nhà cửa đòi bán để chia của và đem về Việt Nam vui với vợ trẻ. Sau vài năm chăn gối, tiền anh già sắp cạn, em ra thói bạc tình, hờ hững và đá đít thẳng thừng. Nhà cửa bên ấy để cho vợ nhí đứng tên. Đành nuốt hận ra đi than trách: “Bắc thang lên hỏi Ông Trời, hỏi tiền cho gái có đòi được không?” Thôi thì tan vỡ hết rồi! Về lại Mỹ thì còn mặt mũi đâu mà về, đành sống bám mấy đứa cháu bên ấy với thân tàn bạc nhược, rồi chết đi trong âm thầm uất hận. Con số người già “Mất Nết” như nói ở trên, rất may là không nhiều lắm!?

          **Nói đến các ông thì như trên, còn cánh các bà thì sao? Ôi! Cũng rất nhiều chuyện nhức đầu. Ở cái xứ Mỹ nầy 65, 66 tuổi mới về hưu, còn chưa tới thì phải còn đi cuốc, có khi tới rồi vẫn còn đi cày. Cái cảnh chồng làm tất bật trong khi tuổi cũng sắp rụng và có nhiều vấn đề như: do cơ thể yếu vì thức khuya về trễ, hoặc sự yếu do nhiều thứ bịnh gây ra. Cho nên cái mục chăn gối thiếu sót hoặc không còn đủ lực “phá công thành” bà khều mà ông vẫn mần thinh. Các bà vào độ tuổi hồi xuân, khều hoài mà ổng vẫn sụi lơ thì đâm ra bứt rứt. Có dịp, chẳng hạn như có bà còn đi làm thì kiếm ngay các bạn đồng sở mà du hí. Vào thời buổi internet nở rộ, cứ lên E-mail chát, rồi hẹn hò vào các Motel hưởng lạc! Có bà còn muợn cớ về thăm quê nhà, kiếm trai nhí bên ấy mà du hí, ông chồng có trời mà biết. Cho dù có biết thì cũng đành ôm mối sầu câm. Con cái lớn hết rồi, làm rùm beng ra thì không nên!. Nhà cửa đứng chung bán ra thì bị mất tam mất tứ. Đành chịu! Cái chiến tranh lạnh bắt đầu từ đó. Ông xách gói ra ngủ riêng, âm thầm đi, âm thầm về như chiếc bóng!
 **Trường hợp khác, các bà do vào tuổi hết kinh, do vấn đề thiếu hormone, mỗi lần gần chồng thì bị đau đớn, có người cởi mở thì tâm sự cùng chồng “xin ông stop cái mục nầy cho em nhờ, em thấy đau lắm, không còn thích...nữa! Có khi bị các nhăn nhó! Các bà cắn răng chịu đựng chứ chẳng cảm giác sung sướng là gì! Các ông ngạc nhiên. Sao kỳ vậy cà?
           Có các bà không còn thích gối chăn nhưng không dám nói vì mặc cảm và kiếm cớ (như ông ngủ cựa quậy quá, ông ngáy to quá…) xách gói đi ngủ phòng riêng. Ông chồng ngớ ra “Hồi đó tới giờ sao chịu được, bây giờ lại d trò? Rồi đâm ra nghĩ lung tung và đâm ra quạu quọ vô cớ, đôi lúc tưởng các bà có bồ khác, rồi ghen tuông. Ghen ngầm mới là khổ!
           Để tránh tình cảnh nầy, có người biết chuyện khuyên nên đi B/S cho thuốc uống hoặc dùng thuốc mỡ thoa làm tăng hormone cho bà xã.  Các nhà Tâm Lý Học khuyên nên đổi cách, dàn cảnh cho tình tứ hơn thì may ra thoát cảnh vợ xách gói đi, bỏ ông chồng già ngủ cù queo một mình. Già rồi, trái trời trở gió, có người ấm nồng sẽ sống lâu hơn!?
             Tôi có anh bạn, nay ảnh qui tiên rồi! Anh bạn có bài thơ già đọc nghe rất đúng với cái cảnh bạn già giống nhau y chang:

Già
Ba lăm tuổi lẻ nhân hai
Ra đường thấy gái mặt mày sáng ra
Về nhà mặt tối như ma
Soi gương, mới nhớ mình già bạc râu
Lai rai tóc rụng xuống cầu
Xuân tình rỉ rả, lâu lâu một lần
Sáng ra, rụng …cả tay chân


Anh bạn còn làm thêm một bài cũng rất hay:

Viagra

Bữa nào ổng thiếu Viagra
Em nằm thao thức, thở ra một mình
Khều khều, ổng cứ mần thinh
Em đành ôm gối để tình trôi sông
Lòng em hừng hực than hồng
Gừng già! Sao ổng chẳng nồng chẳng cay?
Trời cao có thấu lòng nầy?

Lâm thanh

           **Cái thế giới về già ở các nước tây phương có nhiều nỗi đau buồn bằng trăm cách.Với một số người già bị con cái bỏ vào trại dưỡng lão thì sao? Họ u buồn vểnh tai, mở mắt ngóng chờ con cháu đến thăm, từng ngày từng bữa. Họ thèm nghe tiếng trẻ khóc. Họ thèm nghe tiếng nói của các con. Họ thèm nhìn quang cảnh căn nhà mà ngày xưa họ chăm sóc cho từng đứa, lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho nó. Nửa đêm thức giấc, lén vào phòng đắp chăn cho mỗi đứa. Thèm hát ầu ơ ru cháu ngủ. Thèm nước mắm, canh chua. Họ thèm đủ thứ ở cái mái ấm gia đình  mà họ đã tạo dựng nên. Bây giờ họ đờ đẫn với ước muốn đơn sơ là được nhìn lại mặt tụi nhỏ, được sờ làn da, mái tóc của chúng mà chẳng được!
           **Vui mừng thay! Có một số người già có tâm huyết với núi sông, còn muốn kéo bọn trẻ trở lại với cội nguồn. Các cụ vào hội nầy, lập hội kia. Các cụ là tấm gương quí báu cho người đi sau, lo toan cho sự tồn vong của xứ sở. Các cụ đấu tranh không mệt mỏi. Các cụ tiên phong đi biểu tình, các cụ vận động chống bọn cường quyền sách nhiễu dân trong nước, làm tay sai, bán đất cho giặc Tàu. Các cụ tổ chức các ngày Đại Lễ Dân Tộc cho hậu duệ biết cội nguồn. Các cụ đã vận động được một lớp trẻ có tâm huyết, nối bước cha ông. Một lớp trẻ mới năng động, có kiến thức đã hình thành trong mấy năm gần đây cho chúng ta thấy đó là công sức, giống như mấy “Ông già Ba-Tri” ở Nam Bộ, như các bô lão thời nhà Trần trong ‘Hội Nghị Diên Hồng” trước đây. Tương lai đất nước sẽ được thoát ra cảnh ngộ như ngày nay. Hoan hô các cụ! Hoan hô tuổi trẻ nhiệt huyết đấu tranh cho một đất nước Việt Nam dân chủ và thịnh vượng trong tương lai rất gần!
           Trên đây tôi đã lan man về hai cái nhìn: rất tiêu cực và tích cực, còn cái nhìn trong sáng và có tính cách khoa học hơn trong sự nhận thức tuổi già và sống trong tuổi già thì sao? Già là một diễn biến đương nhiên của kiếp người, là sự thoái hóa, là sự hao mòn, là sự đào thải tự nhiên của Luật Tạo Hóa. Con rắn có lột da để sống để lớn nhưng nó cũng phải chết. Chúng ta phải chấp nhận tuổi già lù lù tới và ráng sống sao cho hết kiếp sống già còn lại trong thích nghi với mọi hoàn cảnh thì may ra cuộc sống già không đến đỗi buồn. Sống tốt, sống xấu là do thái độ của chúng ta trong mọi nhận thức để sống.
           *Sau đây tôi xin trích dẫn tài liệu về một hội nghị, khảo sát qua việc thăm dò ý kiến của 1507 người tuổi từ 18 tới 61 về tuổi già. 
          Trong phần tổng kết qua khảo sát và đề nghị của các chuyên gia trong Hội-Tâm-Lý-Học ở Úc năm 2004 như sau:
            -Nâng niu gìn giữ cái mình đang có, không ghen tuông, đố kỵ với người khác
            -Nếu thấy có điều không vừa ý thì thay đổi chúng đi. Không thay đổi được thì sống chung hoà bình với chúng.
            -Giận dữ, chỉ trích, nhục mạ bản thân và tha nhân rất có hại cho sức khỏe.
            -Đã quyết định làm việc gì thì nên làm ngay.
            -Năng vận động cơ thể đều đặn mỗi ngày để duy trì sức mạnh thể xác, tránh đau xương nhức khớp, mất thăng bằng cơ thể.
            -Duy trì dinh dưỡng cân bằng, đa dạng các loại thực phẩm và tiêu thụ vừa đủ với nhu cầu cơ thể. Giảm thiểu chất béo, muối, đường, rượu.
            -Thường xuyên tham dự vào các hoạt động có tính cách kích thích trí óc như cờ tướng, ô ch, domino, đọc báo.
             -Khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ, tìm hiểu về các bịnh tật, dùng thuốc đúng cách chỉ dẫn.
              -Duy trì liên lạc với mọi người để chia sẻ vui buồn, tránh lẻ loi, cô đơn. Nếu sức khỏe tốt, nên tham gia vào các sinh hoạt hội đoàn, thiện nguyện cộng đồng.
              -Giảm thiểu những căng thẳng, những nỗi buồn không tên thường ngày, bằng cách nói thẳng những cảm nghĩ của mình “Quẳng gánh lo đi và vui sống” với cái gì mình có.
              Douglas Mc Arthur một danh tướng của Quân đội Hoa Kỳ đã nói “Chúng ta già không phải vì chúng ta sống qua một số năm tháng mà già vì trốn bỏ lý tưởng. Năm tháng làm da ta nhăn nhúm; chối bỏ lý tưởng làm nhầu nát tâm hồn. Lo âu, sợ hãi, thất vọng là kẻ . Nó dìm ta xuống đất đen và biến đổi ta thành cát bụi trước khi ta chết”
        Sau cùng tôi xin gởi đến các bạn già cùng các bà vợ già giống như tôi bài thơ cho phần đoạn kết với cái mong ước thật mộc mạc và thật đơn sơ trong cơn ấm lạnh của tuổi xế chiều nơi đất khách, quê người là “cùng dìu nhau, lo lắng cho nhau trong đoạn đường còn lại của tuổi chiều, hãy nhớ một thời qua kỷ niệm, hãy trân quí nghĩa vợ, tình chồng, tự kiềm chế bản năng xấu để chúng ta cùng bước về phía trước, chắc cũng chẳng còn bao lâu nữa phải xa nhau để về với lòng đất miên viễn!”
                                                                                        
MÌNH ƠI!

Mình ơi! Nắng đã nghiêng chiều
Đời qua trăm nẻo, rụng nhiều tóc xanh
Mòn vai gánh nặng gian truân
Mênh mông ghềnh thác, mỏi mòn đôi chân
Nhớ xa rồi lại nhớ gần
Ráng đi mình nhé! chia phần nhân gian
Tóc mình giờ đã pha sương
Đầu tôi muối trắng, trán nhăn trăm bề
Xứ người còn lắm nhiêu khê
Mình, tôi còn phải đê mê nhọc nhằn
Trễ tràng, nửa mảnh chiếu chăn
Bởi cơm áo, bởi nợ nần quanh năm
Quê nhà mờ nhạt xa xăm
Dỗ nhau mấy khúc từ tâm ngọn nguồn
Rằng mai, rằng mốt về thăm
Dắt nhau tìm lại chút hương quê mình
Qua đồng nhìn ruộng mênh mông
Leo ngang cầu khỉ ngắm dòng sông trôi
Về giồng mờ cát, gió bay
Ăn bông bí luộc, củ khoai nướng lùi
Về vườn cây trái xanh tươi
Nghe thơm hương bưởi, hương cao ngọt ngào
Đêm mưa nghe ngọn gió lùa
Giọt rơi bẹ chuối sau hè đê mê
Cái thương, cái nhớ đất quê
Mình ơi! mình hẹn nhau về nay mai?

( Sacramento mùa xuân năm 2009)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHỮNG ĐOẢN VĂN

BÓNG NHỚ

Anh Hai thường than thở: “Sao cứ mỗi khi Tết về là nhớ nhà quá chừng. Nhà ở đây là chốn quê hương ở Việt Nam. Một nơi mà anh Hai đã bỏ đi gần hơn 40 năm rồi. Hồi đó thời gian sao mà nó dài quá chừng. Năm năm học trường Quận. Năm năm lên trường Tỉnh. Mấy năm trên Sài Gòn. Anh thấy sao mà nhiều kỷ niệm quá…hình như đầy ấp theo những ngày tháng đó. Anh nhớ bạn bè, anh nhớ mái trường, lớp học. Anh nhớ từng con phố, ngỏ hẻm. Anh nhớ biết bao nhiêu chiều thứ Bảy, Chúa Nhật dạo phố Sài Gòn. Anh nhớ hương vị bò bía, nước mía Viển Đông…Anh nhớ chiều công viên ghế đá với tiếng thầm thì của người yêu… Anh nhớ từng cánh đồng và những con sông. Anh nhớ từng ngọn cỏ, cọng rau. Anh thèm những món ăn rất đạm bạc như cá kho tộ, tô canh chua tép với rau nhiếp, mò om. Anh nhớ tô bún nước lèo ngoài đầu chợ Tỉnh. Anh nhớ trái ổi, trái bần ở dưới quê…Anh nhớ từng khuôn mặt trong mái ấm gia đình…Anh nhớ đủ thứ hết. Mỗi lần nhớ là hình bóng những thứ đó cứ lởn vởn trong đầu óc, anh muốn bay về Việt Nam cho thật nhanh…

Rồi một lần anh Hai có dịp về lại Việt Nam. Máy bay quần một vòng từ độ thấp. Anh ngó Sài Gòn ở phía dưới, xe cộ chạy như những đàn kiến bò trên đường. Những ngôi nhà cao, thấp xen lẩn trong ánh nắng ban mai hồng hào. Chiếc máy bay đáp lướt trên đường băng. Anh nhìn bên ngoài còn những dãy rào thép gai và những hầm hố công sự của một thời chiến tranh vẫn còn đó. Bước ra khỏi cánh cửa máy bay.Trời nóng hừng hực. Anh bắt đầu lột áo bớt ra…cho đến khi chỉ còn cái áo ngắn tay mà sao vẫn còn thấy nóng oi cả người. Qua các cửa ải, anh bắt gặp nhiều gương mặt nhìn anh không mấy gì thân thiện. Gặp lại người thân. Anh có được mấy cái ôm thân thiết và nụ cười đầy nước mắt của những người nhà làm anh thấy ấm áp và xúc động vô cùng!

Chiếc xe 12 chổ ngồi mà người nhà mướn từ dưới tỉnh lên rước anh về, chạy trên đường như dồn đống xe hơi, xe gắn máy, cùng khói bụi mịt mù. Anh nghĩ “Chắc như vầy thì làm sao mà anh dám lái xe một mình đi trên các con đường nầy”. Đi qua các đường phố, anh cố nhìn cho kỷ, nhưng chẵng biết đâu là các con phố quen ngày xưa. Anh cứ hỏi hết đường nầy đến đường khác. Thằng em của anh

chỉ trỏ và nhắc các tên đường…nhưng anh không còn thấy bóng dáng nào của những con đường thân quen thuở xưa…

Về tới quê, nơi căn nhà của ba má anh thuở xưa thì vẫn còn nguyên như cũ, mọi thứ có hơi thay đổi đôi chút nhưng tuyệt nhiên nếu nhấm mắt lại anh cũng sẽ đi từ trước ra tới sau bếp…đều nầy làm anh xúc động đến rưng rưng hai giọt nước mắt…

Đứa em dâu nấu buổi cơm với mấy món mà thiếm biết anh rất thích thuở hơn 40 năm trước. Cơm nóng, canh nóng cộng với cái nóng của căn nhà. Anh vừa ăn vừa lau mồ hôi. Đứa em trai hỏi: Uống chút rượu nghe anh …Anh lắc đầu nói: Nóng thấy mồ uống gì zdô…

Suốt hơn gần 3 tuần lể trôi qua, anh Hai có dịp đi đây đi đó. Ở mọi nơi chốn đều đổi thay, không còn như anh tưởng. Anh ăn uống nhiều thứ…nhưng… thấy sao mà không ngon như lúc trước. Cả tô bún nước lèo thịt heo quay mà anh thích nhất cũng vậy…Anh nghĩ chắc tại ở bểnh mình ăn đầy đủ quá rồi đâm ngán …?

Ra Giêng, vào ngày đám giổ ba của anh. Bà con nội ngoại, chòm xóm tới nhà nhộn nhịp. Các bà mỗi người một việc cùng xắng tay nấu nướng ở sau nhà bếp. Cái không khí nồng ấm và hình bóng xưa cứ chạy suốt trong tâm tưởng. Anh hai ngồi nhớ một hồi rất lâu…Anh lấy tay quẹt nước mắt…

Ngày trở lại Mỹ. Chiếc máy bay đáp xuống phi trường. Anh ra khỏi khoang máy bay, bước vào nhà ga với không khí mát rượi. Anh Mỹ đen rà cái pass board xong, ngước lên mỉm cười và nói: Well come back USA…

Chiếc xe hơi thân quen của đứa con ra rước anh chạy trên xa lộ. Anh cảm thấy thoải mái và an toàn vô cùng. Anh Hai hơi đói bụng.Thằng con chở anh đến quán phở quen. Anh ăn ngon lành tô phở gần như cạn nước…

Đêm mới về lại căn nhà ở bên nầy, anh bị mất ngủ vì trái giờ, quen giấc gần hơn cả tháng ở Việt Nam. Anh nằm gát tay lên trán mơ màng…Anh chợt thấy một điều gì đó… hình như là …BÓNG NHỚ vừa hiện ra trong tâm hồn mình…!

H ÌNH NH Ư

Trong thời chiến tranh, anh luôn đối diện với biết bao hiễm nguy của chiến trường. Anh đã chứng kiến biết bao nhiêu đồng đội ngã xuống, biết bao nhiêu đối phương phơi xác trong các hố hầm, biết bao người dân chết oan uổn giữa hai lằn đạn. Anh đã mất đi cái thăng bằng trong cách sống. Anh thiếu vắng thời gian để có cái dịu dàng ấu yếm trong tình yêu, trừ một mối tình trong tuổi còn học trò. Bây giờ anh sống vội vả với những ngày nghĩ phép hoặc những buổi không đi hành quân. Tình yêu tinh khiết dường như không còn ở lại với anh. Anh đến với những cuộc gặp gở bất ngờ. Anh vồ dập với những cơn luyến ái trong hơi men. Lời nói yêu đương chỉ là cái lý giải để anh chiếm đoạt người tình hơn là là sự rung động thật sự của con tim. Từ đó anh vô tình đã để lại bao nhiêu hậu quả cho những người con gái đến với anh: “Nước mắt, sự đau khổ, có cả những hệ lụy trong tai nạn ái ân vội vã đó.” Chiến tranh đã đẩy cuộc đời trai trẻ của anh vào cơn lốc xoấy của cơn lửa táp, đạn vèo. Anh như bị đánh mất bản chất con người của anh trong cơn biến động đó.

Đến một lúc rồi anh cũng phải có vợ. Cưới vợ như là một định kiến của gia đình, thân tộc và định vị lứa đôi của cuộc sống đời thường.

Thời gian trôi nhanh…Anh nhìn về phía trước một đoạn đường lấp ló buổi chiều tàn. Đôi lúc anh quay đầu nhìn về quá khứ. Một thời gian dài hơn 40 làm vợ chồng đã trôi qua trong bao gian truân khốn khó...Bây giờ hai người đã già, không còn đi làm nữa. Con cái đã có gia đình và có cơ ngơi ổn định. Hai bóng già lặng lẻ sống bên nhau trong gia đình càng lúc càng tróng vắng…. Không biết có phải vì biến thái của tuổi già hay vì tính khí khác biệt của mỗi người mà sự va chạm thường xuyên có dịp khoấy lên..? Có một cái lực vô hình nào đó đẩy mỗi người mỗi ngày một xa. Cái xa không phải là khoảng cách mà xa trong tình cảm …? Suốt hơn 2 năm vợ chồng sống chung nhà, nhưng mỗi người mỗi phòng riêng.Sự gìao tiếp với nhau bề ngoài cũng rất bình thường vì bổn phận làm cha, làm mẹ với những đứa con, làm ông bà với những đứa cháu và vì sự giao tế bạn bè thân thích. Nói tóm lại, mỗi người ráng đóng vai trò cho thích hợp với mọi hoàn cảnh. Đến một ngày vợ anh bệnh nặng và tách hẳn về nhà đứa con gái để tiện viêc chăm sóc, thì sự xa cách bị đẩy xa thêm.Thỉnh thoảng anh về bên nhà con gái để giúp đưa vợ đi nhà thương hoặc làm một vài cử chỉ nặng về phần an ủi nghĩa tình, dù sao 2 người cũng có mấy chục năm chăn gối.

Mấy năm liền anh sống trong căn phòng đơn chiếc với những sinh hoạt tự túc châm lo cho mình và thằng con út còn đi học. Thời giờ còn lại, anh tìm quên trên bàn máy vi tính với những bạn ảo trên Net và trên Facebook. Những bài thơ, những bài văn lúc nầy được trải ra nhiều hơn. Khoảng lấp nầy cũng chỉ giới hạn chừng mực nào đó…còn lại nỗi cô đơn của tuổi xế chiều đang còn sức luyến ái, đôi lúc bậc dậy trong anh những cơn thèm khát xác thịt. Anh cũng chỉ dằn lòng lại thôi…

Nhiều lúc ngồi một mình, anh nhìn lên khoảng trời mịt mù sương khói, cánh chim nào đó bay trong trời giá lạnh, về một hướng rất xa xăm…. Quỷ thời gian của đời sống không còn bao nhiêu nữa là hết. Anh chợt thấy buồn buồn cho cuộc đời mình…Anh như cánh chim kia cứ bay đi thầm lặng đến cuối chân trời.Trong một khoảng riêng buồn…anh thấy có một nỗi hụt hẩn rất lớn trong tâm hồn… hình như tình yêu thực sự đã mất trong anh tự bao giờ…!?

CUỐI NĂM XỨ NGƯỜI

Do hiện tượng thời tiết, cả gần hơn tháng nay trời cứ mưa liên tục. Mưa không lớn. Mưa rỉ rả. Gió lạnh lùa ngang cây trơ cành bên ngoài. Bầu trời một màu xám mờ. Trời không băng giá, nhưng những cây loại nhiệt đới được đặt bên trong mái hiên nhà sau thì ủ rủ gần như trân mình, bầm lá, mặc dù được che bởi những mảnh nilong.

Buổi sáng ngồi uống cà phê, nhìn cây mai tứ quí nhú mầm nụ hoa. Tháng cuối năm âm lịch sắp hết. Ừ cuối năm rồi! Cuối năm của một khoảng đời gần hết. Cuối năm chập choạng với những ngày lặng lẻ. Cuối năm với cơn mưa lạnh nơi xứ người. Cuối năm tôi co ro như những cành cây nhiệt đới. Cuối năm chẵng có niềm vui nào trổi dậy trong hồn. Cuối năm lẩn thẩn với mớ nghĩ suy quanh quẩn rồi than thở một mình. Cuối năm xứ người sao buồn quá…!

LẨN THẨN 30

Vợ tôi nói: Năm nay tháng 12 thiếu, không có ngày 30 đâu nghe ông! Có đi đâu chơi nhớ về nhà để cúng cơm mời tổ tiên, ông bà, cha mẹ vào buổi trưa … Em chuẩn bị mâm ngủ quả để cúng mừng vui năm mới. Anh nhớ mua phong pháo đốt lúc Giao Thừa để xóa đẩy hết những đều không tốt của năm cũ. Nhớ là ngày 29 đó nghe! Tôi ừ ừ ...đàn bà có khác…! Cái gì mà phải nhắc nhở ....năm nào cũng vậy mà….! Nhưng tôi chợt nhớ lời bà xã … năm nay không có ngày 30 đó nghe. Ừ…Ừ… không khéo lại quên mất…Tôi thẩn thờ nhớ: Đêm 30 xưa nơi quê nhà trong thời thơ ấu bên mái gia đình êm ấm. Đêm 30 lê bước trên phố khuya với lòng trỉu nặng tình buồn. Đêm 30 nơi trại lính trong thời chiến tranh với rượu nát tàn canh. Đêm 30 nơi “Trại Cải Tạo” sau ngày 30 tháng Tư với nỗi buồn cho một ngày mai vô định! Đêm 30 nơi đất khách với cảm giác buồn nhớ quê hương. Một nửa cuộc đời nơi quê nhà với bao thăng trằm cay đắng. Một nửa cuộc đời bình lặng nơi đất khách quê người với bao nỗi trằn trọc, thao thức về đất nước quê nhàThoáng chốc đã hơn 70 năm làm người!

Năm nay đón Giao Thừa nhầm ngày 29…Tôi chợt thấy thiêu thiếu một cái gì đó…vì không có ngày 30 “Em đến thăm anh đêm 30…còn đêm nào buồn hơn đêm 30…Anh nói với người phu quét đường…Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”.

SAU NGÀY 30 THÁNG TƯ

Tôi có người anh bà con, ba anh đi kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông hy sinh lúc Hiệp định Geneve vừa ký xong…1954 anh bị đưa ra Bắc lúc anh mới 12 tuổi. Anh thực sự nghĩ cái chết của ba anh bởi lòng yêu nước c ũng nh ư bao nhi êu ng ư ời tham gia kh áng chi ến th ời đ ó. Mấy chục năm ra Bắc, anh bị nhồi nhét lý tưởng Cộng Sản. Họ chèn ép nhân dân và thanh niên miền Bắc vào khung hận thù miền Nam và Đế Quốc Mỹ.Thật sự chủ nghĩa Tự Do của miền Nam và Đế Quốc Mỹ anh chưa bao giờ biết rỏ. Anh bị bưng bít sự thật và chỉ biết qua tuyên truyền là nhân dân miền Nam sống trong áp bức, đói rách, bần cùng…

Tôi được 11 tuổi, sống và lớn lên trong miền Nam. Tôi được đào tạo trong cái nôi Tự Do - Dân Chủ.Thực sự tôi không biết cái giá trị nầy ở mức độ cần thiết là bao nhiêu.Từ lúc nhỏ tôi nghe tuyên truyền chủ nghĩa Công sản là tam vô, là đôc ác, là bần cùng hóa nhân dân.Thực sự tôi không hiểu cái mức độ độc ác của Cộng sản là tới mức nào. Tôi rất mơ hồ khi ngồi trên băng ghế nhà trường, khi vào quân ngũ, cả khi buông súng đầu hàng khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh, Tư lệnh tối cao của quân đội hạ lệnh đầu hàng. Tôi và bạn bè đồng ngũ chỉ tức tối vì nghĩ rằng mình đâu dể bị thua bộ đội miền Bắc! Và thêm nữa…Cả miền Nam chắc cũng ngớ như tôi (Chỉ những người Bắc di cư 1954 là hiểu về Cộng Sản qua các cuộc đấu tố và cải cách ruộng đất lúc đó…)

Sau 30 tháng Tư năm 1975 người anh từ miền Bắc về Nam.Việc đầu tiên là anh quá ngỡ ngàn trước một Sài Gòn diểm lệ. Việc thứ hai là căn nhà của má anh là một căn nhà gạch mà anh phải thốt lên: Căn nhà thế nầy phải là cấp bộ Trưởng mới có được…rồi ngày tháng năm kế tiếp…tất cả đã làm anh từ băn khoăn và rồi đến lúc nói với tôi: Bọn mầy để miền Nam bị mất thật uổn…Bây giờ làm sao lấy lại được…?!

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, Dương Thu Hương ngồi bên lề đường úp mặt khóc vì một Sài Gòn phồn thịnh mà bị mất vào tay ‘Ăn Cướp”…

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 hàng hóa,vật liệu, lúa gạo miền Nam chở ra tiếp tế cho miền Bắc. Thanh niên nam nữ miền Bắc mơ vào Sài Gòn như mơ đi nước ngoài …

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 nhóm chóp bu lảnh đạo chia nhau làm giàu. Một loại Tư Bản Đỏ mà trong nước gọi là Nhóm Quyền Lợi...sắp bán đứng quê hương cho Tàu….!

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 người dân cả nước mất hết Tự Do-Dân Chủ-Nhân quyền…!

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975…mới đây nhất một nhà sữ học nổi tiếng trong nước nói đại ý như vầy: “Chế độ Cộng Sản là không tưởng…có đâu mà tiến tới”

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975: AI THẮNG AI….?

Sau gần mấy mươi năm anh em có dịp gặp lại. Anh nói với tôi: “Tao đã bị lừa mấy chục năm khi còn ở ngoài Bắc. Tao bị phản bội sau ngày 30 tháng Tư chính những đồng chí của tao…!.Tôi nói với anh: “Trước đây tôi cầm súng chống Cộng Sản mà chưa biết Cộng Sản thế nào...! Sau ngày 30 tháng Tư, tôi còn mơ hồ về họ..! Lúc tôi biết họ là ai thì đã muộn…Tôi đã bị đánh mât quê hương và bị sống xa tổ quốc…!

Tôi và anh ai buồn hơn ai?


Hoa ơi! Đừng kết trái

Khi mới dọn nhà về, phía sau là một khoảng đất trống.Vợ chồng chúng tôi phát họa một sân sau với vườn rau, cây trái.Vài năm sau, phía sau nhà có vườn rau và cây ăn trái, căn bản là các loại rau ăn hằng ngày: Rau râm, rau húng cây, rau húng lủi, rau dấp cá….Cây ăn trái như chanh, quit, cam, hồng, táo…Thấy đất còn trống chổ nào là tôi tha cây về trồng thêm.Vợ tôi cằn nhằn: “Ông trồng nhiều cây ăn trái, ráng thu dọn lá và mấy trái cây rớt…em lo không kham đâu a..?”. Nói là nói vậy nhưng tới mùa , cây nở hoa, kết trái thì vợ chồng tôi ra vườn sau đi nhìn từng nhánh, từng đóa hoa, chờ cho tới ngày cây đơm trái…nhìn những đọt rau thơm. Chúng tôi hái từng loại trái cây cùng ăn, cùng khen ngon ngọt…Chúng tôi có những cọng rau thơm cho một buổi cả nhà ăn bánh xèo…

Cách đây mấy tuần vợ tôi trở bịnh, lúc tôi còn ở Việt Nam và sắp tới ngày trở về.Tôi biết căn bịnh của vợ tôi trở lại lần nầy khá nghiêm trọng. Tuy nhiên chỉ còn đôi ba ngày nữa, tôi e khó đổi vé bay, nên nán lại…Chỉ việc nầy thôi làm vợ tôi giận hờn và trách cứ…!

Bây giờ vợ tôi phải điều trị lại và phải có sự châm sóc đặc biệt. Con gái tôi nói: “Thôi! Để má về ở với con, con sẽ xin nghĩ vài tháng để lo săn sóc và nấu ăn cho má. Nhà con thích hợp hơn. Khi má khoẻ lại sẽ về nhà ba…”

Mấy mươi năm chung sống. Mấy mươi năm gầy dựng gia đình, nuôi dạy con cái thành người lớn khôn và thành đạt nơi xứ người. Cho dù đời sống chung đụng vợ chồng sao tránh khỏi va chạm, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua…Cái nghĩa tình mấy chục năm gắn bó, làm sao mà dể bức rời.! Đến tuổi hưu, đáng lẻ chúng tôi cùng sống khoẻ mạnh bên nhau để hưởng những ngày còn lại của cuộc đời, cùng chia sẻ vui buồn trong cái quỷ thời gian còn lại không bao nhiêu. Cơn bịnh lần nầy sẽ làm sự sống của vợ tôi đau đớn và bất ổn…Sự kiện nầy làm tôi tan nát cõi lòng và ân hận.

Hôm nay ra vườn sau. Trời vào Xuân đã lâu. Các loại rau nức đất, trổi mình sau mùa lạnh giá, các loại cây ăn trái với chồi non xanh, hoa kết nụ…. Cây cam, cây quít, cây táo… hoa rụng cánh sắp kết trái. …Tôi đi thơ thẩn trong nỗi buồn buồn ray rức. Nhìn lên các cành cây, tôi nói thầm: Hoa ơi! đừng kết trái, năm nầy vắng người vợ thương yêu…Mùa nầy đâu có ai cùng chia sớt niềm vui…!!!

Mùa nầy hoa nở…thôi thành trái

Lòng ta rụng nát những niềm đau

Em ơi! vườn vắng em rồi đó

Hoa trái mùa nầy…Thôi tàn mau!

Cảm giác bềnh bồng

Mùa Đông đến. Khi tôi ngồi uống tách cà phê sáng ngoài hiên sau nhà, nhìn bầu trời như thấp xuống với những đám mây phù thủy vạn hình không rỏ nét. Những cành cây khô trong mù sương đứng trơ trơ, trân mình trong cơn lạnh. Tôi mường tượng một điều gì đó rất xa xăm. Tôi hơi hụt hẩn trong mỗi lần mò về quá khứ.

Bên nhà hàng xóm có tiếng vọng âm thanh của bài hát “Bài Thánh Ca Vô Cùng”. Tôi chợt nghĩ “Mùa Noel” sắp về…Và nhớ về mùa Noel năm xưa…

Trước đây còn đi làm ở một cửa hàng bách hóa. Cứ gần đến Noel là họ mắc dây đèn, trưng bày cây Noel và hàng hóa cho mùa lể gần cả tháng trước. Các món hàng được hứa hẹn là on sale trong ngày 24 tháng 12 và sau ngày 25 tháng 12. Ngày Lể coi như hiện diện ở tôi với chiếc mũ đỏ của ông già Noel để làm dậy lên cái không khí mua bán nhộn nhịp của cái thương hiệu Super Walmart.Từ ngày nghĩ việc về hưu, tôi chỉ lặng lẻ nơi căn nhà, ít muốn giao lưu với ai. Mỗi sáng ngồi uống café một mình. Mỗi ngày lên máy computer để xem tin tức, lướt qua Facebook và viết một vài câu thơ hoặc viết tiếp cái truyện còn dang dở.

Mỗi ngày tôi bềnh bồng với những mớ hoài ức khi nhìn ra ngoài trời mây. Mây cũng bềnh bồng theo từng ý nghĩ chập chùn gợi nhớ...

Khi ngồi trước khung máy. Tôi bềnh bồng với hình ảnh, chữ nghĩa. Tôi bềnh bồng với những nghĩ suy. Tôi theo với những dòng chữ. Tôi theo với ngón tay đưa đẩy con mouse. Tôi theo với cái kéo mủi tên lấp thêm mớ chữ vào bài viết. Ở đó là quá khứ. Ở đó, là hình ảnh của một thời rất xa xưa. Ở đó, là từng chập mây khói bay qua trong cảm giác và hiện rỏ qua dòng chữ. Có khi tôi chợt khóc. Có khi tôi chợt vui. Có khi tôi xao xuyến. Có khi tôi rạo rực. Có khi tôi ngộp thở...Tôi miên mang với từng ngón tay trên phím chữ. Ký ức dội về trong “Dòng Trôi Cuộc Đời”…Bản thảo viết về cuộc đời của tôi.

Rồi đây. Có một ngày, tôi sẽ ngưng tay. Rồi đây. Có một ngày, tôi sẽ hết còn suy nghĩ.Tôi thả thân nằm xuống, xuôi bỏ cuộc đời..! Lúc nầy hồn tôi sẽ bềnh bồng vào cõi hư vô. Hiện tại và quá khứ sẽ chỉ còn ở lại với những dòng chữ bềnh bồng…Không biết có đáng giá gì không? Nhưng ít ra tôi biết, tôi đã làm một điều mà tôi rất thích.Chỉ có vậy thôi…!

LÀM NGƯỜI CHÂN CHÍNH

Viết tặng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Tôi vốn người gốc miền Tây Nam Bộ,…Thuở nhỏ tôi mê văn Hồ Biểu Chánh, tôi khoái văn vẻ của ông Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, sau nầy là Hồ Trường An. Tôi thích cái mộc mạc của người miền Nam, đặc sệt những âm điệu dân dã qua các câu chuyện. Sau nầy khi lớn lên, tôi đọc nhiều tác phẫm của các nhà văn khắp xứ của miền Nam trước năm 1975. Nhưng cái cảm giác ăn sâu vào tâm não vẫn là những tác giã mà tôi thích như nói ở trên. Khi ra nước ngoài tôi mang theo một số tác phẫm còn ít oi sót lại trên kệ sách để ở nhà của ba má ở dưới quê, những trang sách với những chữ in bằng khung in chì trên những trang giấy in đã biến thành úa vàng…Tôi trân quí các quyển sách đó và lâu lâu đem ra đọc…Lúc đọc, tôi bắt nhớ nhiều thứ vụn vặt vào cái thời thanh niên mới lớn của mình, như khi ra nhà sách Khai Trí, đi chộn rộn vào những chiều thứ Bảy qua những kệ sách bên dưới cho tới tần lầu phía trên….Thời gian đó tôi tập sự viết văn, thay vì làm thơ như mọi khi…Tôi muốn viết theo phong cách của những nhà văn mà tôi thích. Tôi viết đâu đó vài cái truyện ngắn…Tôi đọc đi đọc lại thấy kỳ kỳ, rồi xé bỏ vì muốn bắt chước mà không được…văn nó phát ra từ nguồn cảm hứng và thể hiện bản chất tự nhiên của người đó, bắt chước làm gì, mà có được cái giãi gì đâu…?Nghĩ vậy tôi bỏ viết truyện luôn. Sau nầy tôi có viết lại nhưng là từ cách viết nhật ký, rồi quen dần viết truyện ngắn qua cách thể hiện như viết nhật ký…viết từ cuộc sống của tôi và tôi vui vẻ ở lại với dòng viết nầy…

Khi qua Mỹ, vì bận bịu với công ăn việc làm, tôi đã bỏ hết thú đọc sách và bỏ luôn chữ nghĩa. Tôi chỉ đọc thoáng qua mấy tờ báo biếu về tin tức và vài mẫu chuyện cũ in lại. Cho đến một hôm ra nhà sách, tôi cầm lên một quyển sách mỏng với tựa là “Cánh Đồng Bất Tận”. Anh chủ quán ngó về phía anh và nói:Anh mua quyển nầy về đọc đi, anh bạn của tôi mới về Việt Nam mang qua vài cuốn cho tôi bán thử.Vốn là người không ưa mấy quyển sách của các tác giả viết sau năm 1975 vì đa số viết theo chánh sách và chỉ đạo của nhà nước. Tôi tò mò lật đọc vài trang…Tôi lại đọc tiếp, một sự thu hút quá nhanh đến với tôi qua những dòng chữ đặc sệt miền Nam.Tôi ngưng đọc và thầm nghĩ phải mua quyển sách nầy về nhà đọc mới tận hưởng hết những cảm giác mà từ lâu rồi tôi mới bắt lại được…Từ đó tôi đâm mê giọng văn của Nguyễn Ngọc Tư và viết thư về cho đứa cháu ở Sài Gòn tìm mua các quyển sách mà Nguyễn Ngọc Tư đã xuất bản gời qua bên nầy để đọc. Thời gian sau nầy khi bắt trớn viết lại, tôi hay làm thơ, viết văn và giao lưu trên Net…Cách đây hơn 2 năm, tôi bắt gặp Nguyễn Ngọc Tư trên Face Book và mò tìm thấy Bloggs của cô. Tôi liên kết vào trang Bloggs của Tư và từ đó tôi đọc bài viết của Tư trên Net. Biết cô còn trẻ, sinh sau năm 1975, tôi càng ái mộ cô về cách thể hiện tâm trạng của cô qua các bài viết ngắn, rất đổi đời thường, nhưng phản ảnh được cái xã hội của miền Nam sau năm 1975, nhất là các đề tài quanh quẩn nơi cô sinh sống, đất Cà Mau…Nơi chốn, sau 1975 tôi là một người tù”Cải Tạo”. Đầm mình trong những tháng ngày nơi vùng đất U Minh “Muổi kêu như sáo thổi-Đỉa lềnh như bánh canh”.Thời gian nầy tôi tiếp xúc được với người dân U Minh.Ban đầu họ còn xa cách và hận thù với những người của chế độc cũ, dần dà họ thân thiết và thật sự có cái nhìn khác về những người lính VNCH.Có một dịp ghé nhà một người dân., tôi thấy một em bé cở hơn 10 tuổi, ngồi cậm cuôi viết chữ I,T, một em lớn hơn chắc là chị của bé đang ngồi trả lời vài câu hỏi trong bài văn.Tôi thấy thương cho các em, tới tuổi nầy mới được cấp sách đến trường. Thấy tôi nhìn vào trang sách, em nói:Chú ơi! dùm góp ý với cháu để trả lời câu hỏi nầy “ Trong thời chiến tranh, một anh du kích giết được 4 tên lính ngụy, một anh khác giết thêm 5 tên lính ngụy…câu hỏi:Vậy ta đã giết tổng cộng được là bao nhiêu tên lính ngụy”.Tôi đọc câu hởi với sự khó chịu trong lòng mà không nói gì cả.Tôi buồn buồn cho một thế hệ con trẻ với cái lối dạy dổ lòng câm thù và nuôi lòng câm thù của nhà cầm quyền mới cho các cháu mà thực sự các cháu không biết.Thấy tôi ngần ngừ, mẹ của cháu nói:Mầy ráng làm đi đừng hỏi chú ấy…!

Thời gian trôi qua, bây giờ tôi đọc Nguyễn Ngọc Tư trên Net, tôi chợt nhớ về chuyện cũ, vào thời đó chắc cô cũng chỉ vài tuổi và cũng từng học như vậy khi đến tuổi đi học…Bây giờ cô lớn lên, cô thực sự thấy bao điều của vùng đất cô ở, những thay đổi quá ngao ngán của một xã hội “Ưu Việt”mà sản sinh ra những con người quá dã man, những con người cho là vĩ đại mà rất đốn hèn…Những bài viết của cô làm tôi say mê đọc. Với một gốc nhìn không quá bi quan về những mầm non trổi lên mạnh mẻ trong bùn đất, bật lớn tươi tắn dưới ánh mặt trời chân lý, làm một con người chân chính trong một xã hội đầy dẩy bất lương.


MÙI TẾT

Hồi còn nhỏ, ở quê nhà…Lúc đó tôi cỡ hơn 10 tuổi.Mỗi năm cứ vào gần hết tháng 12, gió từ cánh đồng phía tuốt ngoài ruộng, sau nhà thờ Tin Lành thổi về với mùi rơm rạ còn mới.Mùa lúa vừa gặt xong còn trơ những gốc rạ và những vũng nước bùn.Cái mùi nồng nồng, hăng hắt đưa vào hai cánh mũi của tôi.…Gió từ bờ sông phía bên kia nhà lồng chợ, cũng đưa thêm về cái man mát gay gây. Những cơn gió cuối năm đôi khi thốc mạnh làm cuộn lên những dề cát cuốn ụp vào người, tôi bụm hai tay che mắt. Lúc đó, tôi nôn nao trong lòng vì biết rằng Tết sắp về…Ba má sẽ sắm cho tôi bộ đồ mới.Tôi sẽ có một mớ tiền lì xì từ ba má và bà con thân thuộc…

Bọn trẻ con chúng tôi thì mừng rở, còn người lớn thì cứ than thở : “Mới đó mà Tết tới nữa rồi…!”. Người lớn thi tất bật gồng gánh, buôn bán quanh năm…công việc cứ bề bề ra, lo chưa xong thì Tết lại đến. Bọn con nít như chúng tôi thì lại mong Tết về…đâu biết gì mà lo…

Gần sát ngày Tết, mặc dù vẫn còn bận rộn với công việc buôn bán, má tôi cũng dành thời gian lo ngâm gạo, ngâm nếp, phơi lá chuối để gói bánh ích, bánh tét. Chưng xong bánh tét, bánh ít đem treo trên giàn, thì đến lo đánh bột làm bánh bông lan…

Lúc còn nhỏ, tôi thường quanh quẩn bên má để giúp má hoặc để má sai vặt. Là đứa con trai lớn trong nhà, tôi thấy má làm một mình cực quá nên không nở bỏ đi bắn cu li với bạn bè mà ở nhà phụ một tay với má. Nồi bánh Tét xôi ùn ục…má kêu tôi thêm củi, tôi đút từng thanh củi vào lò. Má mở nấp nồi thăm chừng. Khói bốc lên nhiều, má nghiêng đầu tránh hơi nước nóng, lấy cây đủa dài xốc trở. Mùi lá chuối xông lên nghe thơm phức. Gần ngày Tết hơn nữa, má cân bột, đếm trứng để làm bánh bông lan, thì tôi phụ đánh trứng, đánh bột. Công việc phụ trợ của tôi được má thưởng cho ăn mấy cái bánh thử nóng hổi hoặc mấy cái bánh bông lan quá lửa, hơi đen đen nhưng thơm phức mùi vanila.

Ba bớt đi giao hàng vì cận Tết, ngồi tính sổ sách cuối năm. Hai bên trước cửa nhà, ba đặt hai chậu bông cúc nở vàng.Trên bàn thờ thì ba chưng bông vạn thọ. Cả nhà tôi thơm mùi bánh, mùi hoa, mùi nhang.

Người lớn ai ai cũng xem ra bề bộn lo lắng, còn bọn trẻ chúng tôi thì thấp thõm đợi ngày 30 Tết được tắm rửa sớm hơn mọi ngày và được ba má để sẳn bộ đồ mới cho ngày mai mặc đi chơi.

Đêm 30 má lo sẳn một dĩa trái cây “Cầu, Dừa, Đủ, xoài(Xài)”và một bình cấm bông vạn thọ. Đúng 12 giờ khuya, phía bên nhà thờ Tin Lành giựt chuông tinh toong. Ngôi chùa Phật phía bên sông đánh trống, bổ chuông in ỏi. Má lâm râm khấn vái trước bàn thờ đặt trước sân. Ba đốt dây pháo đỏ treo trên nhánh cây trước nhà, châm ngòi nổ đì đùng…Cả xóm chợ đâu đâu cũng đì đùn tiếng pháo.Tụi con nít chạy hết nhà nầy qua nhà khác lượm pháo lép hoặc chưa nổ kip bỏ vào túi áo…Có đứa vô ý bỏ vô cái pháo còn đang cháy ngòi, pháo nổ làm cháy áo, phỏng bụng.

Mùi Tết, mùi nhớ quê hương. Mấy chục năm rồi xa xứ. Khi hết tháng 1 mùa Đông còn đang lạnh, máy sưởi trong nhà chạy suốt đêm ngày. Căn nhà trống hoe.Vợ chồng còn tất bậc với công việc ở hảng xưởng. Con cái thì đi học….Đến cận ngày Tết Ta thì mới chạy ra chợ mua bánh chưng bánh tét và vài chậu bông đem về chưng bàn thờ. Chuẩn bị nấu vài món ăn truyền thống như thịt kho, dưa giá…Mùi vị ngày Tết không còn …chỉ còn là nỗi hoài nhớ…Khi qua đêm trừ tịch, hai vợ chồng ngồi nhắc chuyện ngày xưa. Đêm 30 đi qua…Ngày mai lại tiếp tục đi làm, con cái đi học. Bàn thờ cúng cơm ông bà chỉ là cái bằng chứng để lại với khói nhang thơm nhẹ…Mấy đứa nhỏ còn cằn nhằn “Ba má đốt nhang nên mở cửa… Tụi nhỏ sợ khói nhang làm ngộp thở và hôi nhà…Kêu tụi nó khấn vái trước bà thờ ông bà thì tụi nó chỉ đốt một cây nhang, chấp tay xá xá cho qua việc. Có khi chúng đi làm, đi học thì chỉ hai vợ chồng dọn bàn cúng lạy…mà cũng chỉ nán lại trước bàn thờ vài phút rồi đi lo công việc khác.

Người lớn thì cố giữ lại truyền thống Tết được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.Còn tụi nhỏ thì…khó quá! Tôi đâm nghĩ “Khi đám già cuốn gói về đất hết thì chắc tụi nó cũng quên cái vụ Tết nhứt nầy “Thật ra thì tụi nhỏ đâu có cái mùi Tết như mình có hồi từ thuở nhỏ đế mà nhớ…!

HỐI HẢ CUỐI ĐỜI

Trong đời người có biết bao nhiêu lần hối hả. Có những hối hả lo toan, nếu mình chưa hoàn tất với cái mức quy định của công việc hoặc thời gian thì mình có thể làm tiếp sau đó.Tuy nhiên có một sự hối hả mà mình phải hoàn tất, nếu không thì mình sẽ không có cơ hội để hoàn tất. Đó là sự hối hả của những ngày gần cuối cuộc đời. Quỹ thời gian của cuộc sống không còn bao nhiêu.Sự bất chợt rủi ro của tuổi già có khi vô chừng, khó đoán, cho nên sự hối hả như một điều thúc đẩy người tôi cố nghĩ, cố lọc lựa những gì mình cần phải hoàn tất trong khi có thể làm được, còn chừa một khoảng rủi ro nào đó mà thần chết giáng xuống mình bất thình lình.Cái quan trọng mà tôi phải làm trước đó là món nợ văn chương vướng lụy mấy chục năm qua, từ lúc biết làm thơ, viết nhật ký của tuổi 15, cho đến nay tóc đã nghiêng màu trắng. Cuộc bể dâu đã làm cuộc đời tôi nổi trôi thăng trầm. Cùng với thăng trầm đó là những dòng văn, những dòng thơ được trải ra trên giấy năm xưa và trên dòng Net ngày nay.

Tôi muốn nó ở lại đời khi tôi ra đi.Tôi muốn nó ở lại với thân quyến, bạn bè và theo linh hồn tôi về tận miền miên viển nào đó.

Tôi viết vì tôi, vì người thân và bạn bè.Tôi không ham muốn làm nhà văn, nhà thơ.

Tôi là một người muốn trải lòng ra để giải tỏa nỗi lòng cho chính tôi và chia sẻ với những người thương mến tôi bằng chữ nghĩa.Còn lại những thứ khác, nếu tôi chưa làm hết thì có người khác làm thế cho tôi.

Tôi muốn chính tôi phải hoàn tất những dòng chữ mà tôi đã viết, thành từng tập.

Tôi muốn được nhìn thấy nó đã thành hình.

Chỉ duy nhất có điều nầy làm tôi hối hả để hoàn tất trước lúc chia tay với đời sống nầy.

TÌNH NET

Ngày xửa ngày xưa, lúc còn mài đủn quần trong lớp học. Lúc đó khi yêu nhau người ta thường viết thư trao đổi tình yêu qua trang giấy học trò, kha khá hơn nữa là những mảnh giấy màu mõng. Thông thường rất kín đáo trao cho nhau bằng tay chứ ít khi gởi bằng thư từ, vì sợ bị lộ Khi ba má bắt được thư thì có mà bị tẩm quất hay la rầy một trận: “Còn nhỏ mà không lo học hành…ở đó mà yêu…Từ nay phải chấm dứt nghe con….phải lo học hành trước đã…” nghĩa là cha mẹ có quyền cấm con cái đi vào đường yêu đương và dỉ nhiên mấy tờ giấy viết sẽ bị xé nát và cho vào sọt rác. Tình yêu trai gái thuở đó cũng thường chỉ quanh quẩn trong xóm làng, quẩn quanh nơi phố chợ, ít khi xa ngàn dậm…? Với đà phát triển nhanh của khoa học qua các bàn máy vi tính và qua hệ thống Net, sư liên kết của con người vượt xa khoảng cách, vượt biển trời bao la để tìm đến nhau qua E-mail, tin nhắn. Các bậc cha mẹ ngày nay không còn kiểm soát con cái theo cái kiểu ngày xưa nữa, mà có kiểm soát cũng không được, đành phải chấp nhận một cách miển cưởng, bó tay, đành chịu…!

Các trang nối kết như hệ thống của các nhóm trên yahoo.com các trang mạng liên kết như facebook…đã làm mọi người trên khắp thế giới gần nhau hơn, thư từ, tin nhắn, hình ảnh chỉ chuyển trong tích tắt….Từ đó hình thành những mối tình ảo, vượt không gian mà yêu nhau. Sự trao đổi đôi lúc màu mè công chúng (public) sau đó chuyển qua nơi kín đáo hơn bằng Chát (Messenger). Có nhiều mối tình Net đến với nhau dịu dàng trên Net và rồi sau đó hẹn hò gặp mặt nhau, đôi khi hợp ý thì tiến tới hôn nhân thật sự, cũng có những quái quâm vở khóc vở cười khi đối diện với sự thật phủ phàng, hình em, anh trên Net thì quá đẹp…hoặc trí tưởng tượng về người yêu quá toàn vẹn, khi gặp nhau bị vở mộng…Chẳng hạng nàng hoặc chàng đi đứng cà thọt, ăn nói thì ấp a ấp úng ngọng nghệu…Có những mối tình chỉ cốt bẹo kéo nhau để cho qua buổi trng vắng của những ông bà ở tuổi về hưu, có nhiều thời giờ ngồi trước máy vi tính chát để đốt thời gian. Cũng có những cảnh ông bà đang sống ung dung với nhau mà lại ngoại tình trên Net. Ông một cái máy, bà một cái máy mặc tình mà chát yêu, chát quái. Mỗi người tìm thời gian thích hợp mà chát để khỏi bị lụy phiền, để khỏi bị khám phá…!Tân tiến hơn, mỗi người có một cái máy điện thoại thông minh…lúc nầy mặc tình mà liên kết, ở mọi nơi, ở mọi lúc, tha hồ ông chát, bà chát, con chát, rể chát, dâu chát…mọi người đều có cơ hôi ẩn náo riêng tư mà liên kết với nhau.

Tình yêu trên Net lại hình thành nhiều tình huống khác nhau và từ đó nở rộ ra các nhà thơ, nhà văn bất đắc dỉ với những bài thơ, bài văn gạ trao tình yêu vô cùng lãng mạng, đôi khi vô cùng Sến hằng ngày dán lên các trang mạng. Xin mở ngoặt phân ra các bậc đàn anh, các bạn văn, thi sĩ thực thụ dán lên nhiều bài viết rất giá trị để trao đổi với nhau. Nhờ đó tôi hân hạnh gặp được nhiềc bậc đàn anh, đàn chị v à bạn bè mà tôi rất quý mến. Cũng từ trên Net, có nhiền vụ lừa đão tình yêu….phờ phỉnh tình yêu xảy ra…tình ảo mà….có ai kiểm tra được đâu?! Mà thực ra có chết thằng Tây nào đâu với mấy dấu hiệu trái tim gởi cho nhau kèm qua các lời nói âu yếm…sống động hơn là những con vật nhả ra hằng hà sa số trái tim yêu qua ảnh gif. Có mất đồng nào khi gởi những bó hoa hoặc quà cáp trên Net. Ôi thời đại tân tiến! Ôi thời đại tình Net, tình Ảo… Thôi thì cứ phất phơ vào Net để đốt thời gian nhàn hạ. Mua vui cũng được một vài trống canh!Phải không các bạn?


MỘT MÌNH

Từ ngày bà xã tui xách gói đi ngủ riêng tới giờ …tôi cảm thấy mình thoải mái hơn. Chẵng là vì, khi lớn tuổi lúc trở trời trở gió mình mẩy ê ẫm, xương cốt hết đau khớp nầy, chạy qua khớp khác. Đêm ngủ chung giường với bà xã nhiều khi lấy tay đấm chồ nầy, bóp chổ khác trên cơ thể mình, hoặc xoay trở lặn lộn cho đở mõi…Bà xã tức mình càu nhàu “Cái ông nầy làm gì mà rục rịch sáng đêm làm sao người ta ngủ được!”.Tránh lời rên rỉ của bà xã…tôi cố gắng trân mình chịu đau hoặc trở mình nhè nhẹ. Nhưng làm sao khỏi nhúc nhích đôi chút được…!Mặc dù tôi đã mua chiếc nệm theo quảng cáo: Ông nhúc nhich–bà không bị nhúc nhích. Bà xã của tôi vẫn phàn nàn vì sự lăn trở của tôi.Tôi hơi quạu bởi vì mình cố gắng chịu đựng cái thân thể bất tuân như ý rồi mà còn bị cằn nhằn hoài. Tôi nói: “Tại bà khó ngủ chứ đâu phải tại tôi…hồi nẫm đôi khi ngủ say sưa bà còn ngáy khò kho.Tui có nói gì bà đâu? Vợ tôi nói: Hồi đó khác, bi giờ nầy khác…!Tôi chịu lép vế nằm làm thinh.

Ban đêm vì không ngủ được tôi cứ ngồi bật dậy đi tiểu…cái gì quá kỳ cục, cứ đi tiểu vừa xong vào giường nằm một chút lại muốn mắc tiểu nữa….Bà xã cầu nhàu “Cứ leo lên, bước xuống giường và dội cầu hoài làm sao ai mà ngủ cho được…!Đi khám bác sĩ đi.Coi chừng bị ung thư tuyến tiền liệt đó.(Chuyện nầy khỏi lo vì tôi đi khám rồi…tại uống nước nhiều-khi ngủ hỏng được thường là như vậy…).

Chưa kể nhiều khi xem một cái phim hay, mình muốn coi cho hết, bã rên rỉ: Làm ơn tắt cái TV cho người ta ngủ...ngày mai còn phải đi làm.Tôi cụt hứng tắt cái TV.

Còn nữa, tôi hay hứng tình với nàng thơ. Khi một ý thơ nào đó hay hay hiện ra trong đầu, tôi bậc cái máy vi tính lên và ngồi hằng giờ để làm thơ hoặc viết truyện… luôn thể đọc mail của bạn bè gởi cho mình và trả lời, đôi lúc đọc nhiều bài thơ hoặc bài viết hay mình góp ý. Vợ tôi lại than thở tiếp vì mấy tiếng cộc cạch của bàn phím khi tôi gỏ chữ.

Nhiều lúc bà xã tôi lại tò mò xem tôi làm cái gì trên máy vi tính mà ngày nào cũng mở máy và ngồi ngâm rất lâu. Vợ tôi nghe câu chuyện mấy lão niên cứ lên mạng chát chiếc với mấy em “Cỏ Non” ở Việt Nam…lâu ngày đâm mê mệt và hẹn hò kiếm chuyện về bên đó mà du dương.

Có một ông sau khi đi về Việt Nam nhiều chuyến, khi trở lại Mỹ tuyên bố ly dị bà vợ tắm mẵm ở bên nầy. Dĩ nhiên của cải do vợ chồng gầy dựng bấy lâu bị chia tứ tán. Con cái lớn khuyên cha, nhưng vì quá mê “Cỏ Non” ở Việt Nam rồi nên nhất quyết không nghe ai hết. Chàng già về xứ Việt làm đám cưới linh đình và bảo lảnh em sang Mỹ. Bà vợ mất một căn chung cư… để ông chồng đem con vợ nhí sang hú hí. Buồn quá bà đâm ra điên điên bởi lẻ ông chồng của bà rất hiền lành, sống mấy chục năm ông luôn là người chồng gương mẫu.Hai vợ chồng mở tiệm Nail &Tóc, bà bận rộn với việc làm, ông tận tụy giúp bà từ việc lớn đến việc nhỏ.Hai người chí thú lo làm ăn nên mua được một căn nhà và sau đó là một dãy chung cư gồm 10 căn hộ.Suốt ngày ông cứ quanh quẩn ở tiệm giúp bà điều hành công việc.Tối đến ông làm sổ sách. Bà rất thương yêu chồng và tin chồng hết mực…nhưng ở đời ai đâu có ngờ! Người lù đù “Vát lu mà chạy” ít nói như ông chồng bà lại giở chứng hồi nào mà bà không biết được.Chừng đổ bể ra sau mấy chuyến về thăm bà mẹ già của ỗng còn ở Việt Nam…Ông đòi ly dị và chia của.Bà giử căn nhà và cái tiệm, còn ông thì giử cái chung cư.Bà vô cùng đau khổ vì sự bất ngờ nầy nên đâm ra như người mất trí. Bà tức khí vì mất ông chồng thương yêu rất mực của bà“ Đồ con “quỉ cái cướp chồng bà còn nhởn nhơ hưởng phần mồ hôi nước mắt của bà…trước mắt bà!”.

Tôi không đồng tình với mấy việc như vây.Vợ chồng tay dắt, tay níu con thơ với hai bàn tay trắng sang đây.Vợ chồng xây dựng gia đình từ con số không.Tính từ thời gian bước đầu đến khi cơ ngơi khá ổn định, con cái học hành đỗ đạt và có việc làm, đó là công lao lặng lôi thân cò của vợ chồng tôi trên đất mới nầy.Với tôi…tôi rất trân quý những ân tình của vợ tôi đã khổ cực từ lúc đời tôi đầy gian nan khi còn trong nước và đã góp tay khó nhọc cùng tôi từng năm tháng xây dựng tổ ấm nơi xứ người nầy. Ai mà lại vô cảm-vô tâm phụ rảy ân tình nầy.Tuy nhiên “Ớt nào là ớt không cay- vợ nào là vợ chẳng hay ghen chồng” Với sự nghi ngờ và có thể cũng để đề phòng trước vì thấy tôi sao cứ tối ngày lên mạng hoài nhiều lần vợ tôi nhìn vào khung màn ảnh máy vi tính phía sau lưng tôi để dò xét.Tôi nghĩ chắc mẫm là bà xã tôi nghi ngờ tôi chát chiếc với ai đó, có bao giờ bà xã tôi tò mò để xem văn vẽ của tôi đâu!.Chưa bao giờ thơ văn của tôi lọt vào đôi mắt của nàng…! Mặc tôi mơ mơ, màng màng những chuyện năm xửa năm xưa với nhiều hồi tưởng qua những dòng thơ tình sướt mướt hay tưởng tượng một câu chuyện tình lâm ly nào đó để kết thành văn vẻ đậm tình éo le–lâm ly hoặc đổ vỡ.Tôi đoan chắc vợ tôi chẳng thèm ngó ngàng đến thơ văn của tôi cho dù có đem quyển thơ hay quyển văn của tôi đặt trước mặt.Nhưng từ ngày bà xã tôi giao lưu với bạn bè trong trang Web Trung Học Chợ Lách…tôi có bài vỡ tham gia.Bạn bè của vợ tôi đọc bài của tôi không biết khen thiệt hay chỉ động viên…bà xã cũng dừng mắt đọc thơ văn của tôi cho biết sự tình….Cám ơn trang Web vì tôi có một đọc giã bất đắc dĩ:VỢ TÔI!…!

Người ta thường nói: Sự thành công của người chồng luôn luôn có bóng dáng của người vợ hổ trợ. Tôi nói trại ra: “Sự thành công của các người cầm viết (Văn-Thơ-nhạc-kịch ) phía sau luôn luôn có bóng dáng của các người vợ thông cảm và chịu đựng”. Trong một cuộc phỏng vấn, vợ của nhạc sĩ Anh Bằng có nói: Ổng đi đâu thì đi và làm cái gì thì làm…khi về nhà ổng là của tôi là được rồi…”.Riêng bà xã tôi thì nói: Ông làm cái gì thì làm…nếu lựng bựng gì đó với ai… hể tôi biết được là tôi cho ông đi tàu suốt.Hồi trẻ mình rơi có người hứng lấy còn bây giờ già khú đế rồi ai mà lượm…!Lời phán hơi nặng ký như vậy…có ngán không quý bạn…? Tôi ngán lắm đó…cho nên néu lỡ ăn vụn thì chùi miệng liền hà!

Từ lâu tôi có thói quen …khi đang say sưa với những dòng thơ hoặc lời văn đang hiện ra trong đầu rồi gỏ những dòng chữ hiện ra trên màn ảnh mà bị ai đó dòm ngó là tôi mất hứng và bị khựng lại…Một hôm không dằn được cơn bực bội .Tôi nói với vợ tôi: “Từ nay tôi muốn bà để tôi yên khi ngồi vào bàn máy vi tính làm việc nghe...! Bà xã giận bỏ đi một nước và nói: Ừ tôi đi ngủ riêng…để ông thanh thơi muốn làm gì thì làm…! Và vợ tôi thu dọn ra phòng riêng từ hôm đó.

Chúng tôi ngủ cách ly nhưng sinh hoạt gia đình cũng đều hòa. Mấy đứa con biết lý do má tụi nó ra riêng không phải vì chúng tôi giận hờn nhau mà vì lý do tôi lớn tuổi khó ngủ cứ cựa quậy lung tung làm má tụi nó ngủ hỏng được…!

Mấy ngày đầu ngủ một mình, tôi thấy thiếu thiếu hơi hướm ba xã…vì mấy chục năm ngủ chung giường với nhau rồi chớ bộ …!“Thia thia quen chậu-Vợ chồng quen hơi” mà. Nhiều đêm giật mình mở mắt nhìn bên cạnh, thiếu bà xã cũng thấy lạnh lẻo cõi lòng “Ghe lui còn để dấu dằm-Người thương đi vắng dấu nằm còn đây”.

Mấy lúc sau nầy bà xã tôi hay đi chùa nghe các thầy thuyết pháp. Hồi trước ăn chay một tháng 4 ngày…dần dà ăn gần suốt tháng. Bà xã tôi khoe:Từ ngày ăn chay đến giờ thấy trong người được khoẻ hơn: đường, mỡ, trong máu giãm, ấp xuất huyết giãm.Thế là vợ tôi gần như trường chay. Phòng của vợ tôi gần như là tịnh thất…

Vợ tôi ăn chay, đọc kinh, đi chùa và ngủ chay. Dỉ nhiên tôi cũng đành ngủ chay dài dài…!Tôi tập ăn chay để giãm nhiệt cơ thể cũng chưa đến nỗi của tôi…hơi ngặt chứ bộ…!Nhưng lâu dần cũng quen!

Một mình trong căn phòng rộng, trên chiếc giường King-size(Giường lớn dành cho vợ chồng ngủ chung) tôi thoải mái tự tung tự tác: Đấm lưng, đấm bóp chân tay thả ga, đôi lúc ngồi lên nhấm mắt tọa thiền hoặc uốn éo cho phẻ gân cốt ...không sợ ai rầy rà. Nhiều phim hay cứ thoải mái xem cho tới hết…Bật máy vi tính cộc cạch thỏa thích để làm thơ tình, viết truyện yêu đương… Khi ngồi vào bàn cầu ...đọc báo, đọc thơ cũng không ai hối thúc.(Cái thú đọc mọi văn tự mà tôi vớ được khi vào nhà vệ sinh là một thói quen của tôi khó mà bỏ được). Kể ra Một Mình đâu phải cô đơn...!

Huỳnh Tâm Hoài

Cali đầu năm dương lịch 2014